Các chú voi trên đường đua tại Hội voi lần này

Hội voi Buôn Đôn là hoạt động văn hoá truyền thống của cư dân bản địa với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đàn voi nhà, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, tạo sức lan tỏa để bảo tồn các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương.

Đến với Hội voi năm nay có 10 chú voi và nài voi của các thôn, buôn thuộc huyện Buôn Đôn. Theo chương trình, các chú voi và nài voi sẽ tham gia các hoạt động như: Lễ cúng bến nước của dân tộc M’nông; lễ cúng sức khỏe cho voi; tái hiện hoạt động sắn bắt voi rừng; voi diễu hành; đua voi; voi đá bóng...

Các hoạt động trên diễn ra khá sôi nổi, hào hứng trong tiếng reo hò, cổ vũ của hàng nghìn người dân địa phương và du khách gần xa. Đặc biệt, hoạt động đua voi đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh, hiện tỉnh Đắk Lắk có số lượng voi nhà nhiều nhất ở Việt Nam với khoảng 43 con. Mặc dù trong thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng và Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn đàn voi nhà nhưng các biện pháp bảo tồn vẫn chưa phát huy hiệu quả, đặc biệt là không có không gian để voi giao hợp nên trong hàng chục năm qua đàn voi nhà ở Đắk Lắk không sinh sản được voi con nào khiến đàn voi nhà của tỉnh đang sụt giảm nhanh chóng. Vì vậy, vào đầu tháng 3 hàng năm, tỉnh Đắk Lắk đều tổ chức Hội voi Buôn Đôn nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ, tài nghệ săn bắt voi huyền thoại của đồng bào dân tộc ở Bản Đôn và việc thuần dưỡng voi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Trao đổi bên lề Hội voi năm nay, anh Y’Con Triêk, nài voi Mtâo ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn chia sẻ: Buôn Đôn là vùng đất huyền thoại về săn bắt voi và nghề thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, hàng chục năm nay việc săn bắt voi rừng không còn diễn ra nữa và đàn voi nhà cũng ngày càng giảm sụt nhanh do môi trường tự nhiên để voi sinh sống ngày càng bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, do cuộc sống khó khăn nên các gia đình sở hữu voi đều sử dụng voi phục vụ du lịch, hàng ngày đàn voi phải chở du khách hàng tiếng đồng hồ, thời gian nghỉ ngơi ít, thức ăn cho voi lại thiếu... nên đàn voi ngày càng già yếu. Thông qua Hội voi này, tôi mong muốn các cấp chính quyền và các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới quan tâm, hỗ trợ kinh phí để người nuôi voi chúng tôi chăm sóc voi được tốt hơn, không phải đưa voi đi phục vụ du lịch nữa. Có như vậy mới bảo tồn được đàn voi nhà được lâu dài hơn.

Trực tiếp theo dõi và cổ vũ hoạt động đua voi sáng 12/3, chị Nguyễn Thị Lan, một Việt kiều từ Mỹ cho biết: Tôi định cư ở Mỹ đã nhiều năm nay, cứ hai năm tôi lại về Việt Nam đón Tết với gia đình một lần. Năm nay, nghe tin tỉnh Đắk Lắc tổ chức Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột và Hội voi Buôn Đôn nên tôi ráng lại thêm ít ngày để đến dự Hội, tận mắt xem đua voi là thế nào.

“Sau khi xem các hoạt động của Hội voi lần này, tôi cũng như các thành viên trong gia đình rất thích thú, nhất là xem đua voi và voi đá bóng. Tuy nhiên, tôi thấy voi ở đây phục vụ du lịch nhiều quá, trong khi việc chăm sóc của người dân thiếu chu đáo nên đàn voi ngày càng già yếu và voi không sinh sản được. Vì vậy, đàn voi ở đây đang ngày giảm sụt mạnh và nếu sau này ở Buôn Đôn không còn voi nữa thì tiết lắm. Qua Hội voi này, tôi mong các cấp chính quyền của tỉnh Đắk Lắk sớm có các chính sách thiết thực để hỗ trợ các hộ dân có voi chăm sóc, bảo tồn đàn voi được tốt hơn để sau này khi về nước chúng tôi còn lên Buôn Đôn để dự Hội voi.

Voi đá bóng- Hoạt động thu hút sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem

Trước đó, cũng trong khuôn khổ Hội voi Buôn Đôn, ngày 11/3, tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cộng đồng người M’Nông ở đây đã tổ chức Lễ cúng bến nước và cúng sức khỏe cho voi.

Theo Ban tổ chức, người dân bản địa ở đây có quan hệ gắn bó mật thiết và lòng yêu thương, quý trọng đối với con voi. Đây cũng là dịp để con người tạ ơn thần linh, cảm ơn những chú voi đã giúp đỡ cho chủ voi và buôn làng, đồng thời mong voi luôn có sức khỏe để phục vụ và gắn bó với con người.

Trong khi đó, già làng Y Nuốt Buôn Yă, buôn Trí B, xã Krông Na cho biết: Trong lễ cúng bến nước và cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng gọi mời Giàng, các vị thần núi, thần sông, thần voi… về chứng kiến và ban phát sức khỏe cho voi, cầu mong cho voi luôn được khỏe mạnh, giúp đỡ chủ nhà trong những công việc quan trọng. Các nài voi cũng được cúng sức khỏe, con voi nào được cúng, nài voi cũng được ban rượu, thịt và thực hiện nghi lễ cúng với ý nghĩa cam kết thương yêu voi như người bạn, chăm sóc cho voi luôn khỏe mạnh.

Đươc biết, Lễ cúng sức khỏe cho voi là phong tục truyền thống lâu đời của các dân tộc ở Đắk Lắk. Đây là nét độc đáo thể hiện sự trân quý của đồng bào Tây Nguyên dành cho loài vật hiện thân của sức mạnh, quyền uy và sự giàu có. Thông qua hoạt động này đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về văn hóa voi ở Buôn Đôn, hiểu biết thêm về vai trò của voi trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên./.

Nguồn:http://www.dangcongsan.vn