Buôn Ma Thuột - Những đồn điền cà phê trăm năm (20/02/2017, 10:09)

(VTC News) - Nói đến Buôn Ma Thuột không thể không nói đến vị đậm hương nồng của những ly cà phê thơm ngon bất hủ. Khi đã nói đến những ly cà phê trên “thánh địa” của cà phê thì càng không thể không nhắc tới cội nguồn của nó.

Đó chính là những đồn điền cà phê bạt ngàn trên vùng đất đỏ bazan mang dấu ấn trăm năm - một phần di sản vô giá trong lịch sử cà phê Buôn Ma Thuột.

Dấu ấn khởi đầu trên “thánh địa” cà phê

Cây cà phê được người Pháp du nhập vào nước ta năm 1857. Đầu tiên là giống cà phê Arabica được trồng thử ở một số tỉnh phía Bắc sau đó mới phát triển dần vào Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Với lợi thế là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ và có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, khí hậu, cao nguyên Buôn Ma Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt, mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác. Chính sự khác biệt đó là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của cà phê Buôn Ma Thuột và nơi đây đã sớm trở thành "thánh địa" của ngành cà phê toàn vùng Tây Nguyên và cả nước.

Bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, yếu tố lịch sử của ngành cà phê tại cao nguyên Buôn Ma Thuột đã góp phần làm nên danh tiếng của những hạt cà phên trên vùng đất này. Ngay từ lúc thăm dò để chuẩn bị xâm chiếm Tây Nguyên, các nhà thám hiểm và truyền giáo người Pháp xưa kia đã sớm nhận ra Buôn Ma Thuột không chỉ có vị trí địa lý chiến lược ở miền Nam Đông Dương mà còn có những tài nguyên hết sức quý giá có thể khai thác phục vụ chính quốc, trước hết là tài nguyên đất. Nơi đây có loại đất mà nhà thám hiểm Yersin đã nhận định là loại đất tốt nhất thế giới, rất thích hợp cho việc mở các đồn điền trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê.

Những đồn điền cà phê đi cùng lịch sử  

Dù có mặt ở Việt Nam từ rất sớm những mãi đến năm 1914, cây cà phê Arabica mới thực sự tạo dấu ấn tại Buôn Ma Thuột. Vào thời gian này, hai Công ty nông nghiệp lớn nhất Đắk Lắk đã được chính quyền Pháp cho phép thành lập. Đó là Công ty cao nguyên Đông Dương (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois - CHPI) và Công ty Nông nghiệp An Nam (Compagnie Agricole D'asie - CADA). Hai Công ty này bao chiếm tới 30.000 ha đất, trải dài trên một vùng đất đỏ bazan rộng lớn dọc hai bên quốc lộ 21 từ Buôn Mê Thuột đến Km34 đường đi Nha Trang, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 66.000.000 france; trong đó diện tích cà phê trồng tập trung là 260ha (Công ty Cao nguyên Đông Dương có 135ha và  Công ty Nông nghiệp An Nam có 125ha).  

Lượng cà phê thu được lúc đó tuy còn rất ít nhưng cũng đã được đưa về chính quốc chế biến, tiêu thụ và đem lại kết quả không ngờ. Được trồng trên vùng đất tốt, khí hậu thích hợp ở độ cao từ 500m-600m, cây cà phê Buôn Ma Thuột đã cho ra sản phẩm vị đậm hương nồng tuyệt vời ngoài sự mong đợi của các công ty Pháp. Các nhà rang xay tại Pháp lúc bấy giờ đánh giá chất lượng và hương vị tự nhiên của cà phê Buôn Ma Thuột thơm đặc trưng và thể chất đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp Châu Âu. Vì vậy, nhiều nhà tư bản và chủ ngân hàng của Pháp quyết định đầu tư mở đồn điền ở Buôn Ma Thuột.

Ngày 12-2-1925, để tiếp tục hợp thức hoá việc khai thác đất đai ở Tây Nguyên, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định về chế độ khai thác kinh tế ở Tây Nguyên. Ngay sau đó, đã có thêm 26 đồn điền được thành lập ở khu vực Buôn Ma Thuột với tổng diện tích khai thác lên đến 200.000 ha (chủ yếu trên quốc lộ 21, nay là quốc lộ 26). Những đồn điền cà phê mang tên “Tây” như: Auger, Mercurio, Vererkene, Padovani, Herion, Hagen, Santé, Coronen, Rene Rossi... đã mọc lên như nấm thời đó.

Đến năm 1931, tổng diện tích cà phê ở Buôn Ma Thuột đã lên đến 2.130ha (riêng đồn điền CADA chiếm 1.000 ha), đứng thứ tư trong cả nước; trong đó 51% diện tích là cà phê Arabica, 33% cà phê Robusta, còn lại là cà phê Excelsa (cà phê mít). Tuy nhiên, thời kỳ này bệnh gỉ sắt phát triển mạnh trên cây cà phê Arabica làm năng suất giảm đáng kể nên các chủ đồn điền Pháp lần lượt chuyển sang trồng loại cà phê Robusta (cà phê Arabica lúc này chỉ còn khoảng 1% diện tích) cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon hơn. Chính vì vậy cà phê Robusta, được chọn lọc qua nhiều thập kỷ đã trở thành cây cà phê chủ lực ở vùng đất Buôn Ma Thuột nhờ khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Đến năm 1959 đã có 49 đồn điền trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột (bao gồm cả Buôn Hồ, Phước An) với tổng diện tích trên 5.200 ha; trong đó riêng đồn điền CHPI của công ty Nông Nghiệp Đông Dương là 576ha. Ngoài các đồn điền cũ do người Pháp quản lý lúc đó cũng đã xuất hiện một số đồn điền cà phê do người dân tộc bản xứ và người Kinh khai phá và làm chủ.  

Đến năm 1975, tổng diện tích cà phê ở cao nguyên Buôn Ma Thuột đã tăng lên 8.600ha, cho sản lượng hàng năm trên 11.000 tấn, hầu hết là cà phê Robusta. Tuy xuất khẩu chưa nhiều, nhưng thông qua con đường du lịch, hạt cà phê Buôn Mê Thuột đã đến được nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều người thực sự ngưỡng mộ bởi chất lượng và hương vị thơm ngon đặc biệt.  

Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của nhà nước, tỉnh Đắk Lắk chủ trương đầu tư trồng mới, thâm canh rộng rãi trong nhân dân, từ đó bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở thành phố Buôn Mê Thuột và các huyện Krông Păc, Cư M'gar, Ea H'leo, Đăk Mil, Krông Ana, Krông Búk, Krông Năng, Ea Kar... Các vùng chuyên canh này chiếm 86% diện tích và 89% sản lượng cà phê toàn tỉnh.

 

Với bề dày về truyền thống và kinh nghiệm tích lũy hơn 70 năm của ngưòi dân trồng cà phê, cà phê Buôn Ma Thuột đã hội đủ các yếu tố bền vững và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong nền sản xuất hàng hoá của tỉnh Đắk Lắk (giá trị sản phẩm cà phê hàng năm chiếm 35% GDP và 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) Sản phẩm cà phê Robusta của Buôn Mê Thuột đã có mặt ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của tỉnh Đắk Lắk nói chung, vùng địa danh Buôn Mê Thuột nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Và những đồn điền cà phê lịch sử trăm năm trên miền đất đỏ bazan này chính là phần cốt lõi tạo nên giá trị di sản bất hủ của những hạt cà phê vị đậm hương nồng, đúng chất Buôn Mê.

Theo http://www.vtc.vn

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 265

Tất cả: 10539265

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn