Công nghiệp cơ khí: Trợ lực cho ngành cà phê (27/03/2017, 15:49)

Những năm gần đây, công nghiệp chế biến cà phê của tỉnh có nhiều khởi sắc, tỷ trọng sản phẩm tinh chế ngày càng tăng lên. Sự lớn mạnh của ngành Cơ khí chính là trợ lực quan trọng cho sự phát triển này.

Trước đây, phần lớn các máy móc, thiết bị chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh đều phải nhập từ nước ngoài hoặc các địa phương khác. Đến nay, ngành Cơ khí phát triển mạnh, với nhiều sản phẩm chất lượng cao đã đáp ứng đủ nhu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao công suất của các cơ sở chế biến cà phê. Nhiều cơ sở sản xuất cơ khí đã đầu tư thiết bị và công nghệ hiện đại, điều khiển tự động, bán tự động, sản xuất được các linh kiện, chi tiết đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là các công nghệ mới như ứng dụng công nghệ lò trung tần trong nấu luyện gang để sản xuất các sản phẩm gang đúc hay công nghệ đốt FLOX phối hợp nhiệt phân thân thiện với môi trường. Nhờ đó, tỷ lệ máy móc, thiết bị sản xuất tại Đắk Lắk đã chiếm khoảng 80 – 90% trong toàn bộ dây chuyền chế biến cà phê của các doanh nghiệp (DN). Riêng đối với máy phục vụ nông hộ từ khâu chăm sóc, tưới, thu hoạch, đến chế biến thì hầu hết là sản phẩm của cơ khí địa phương.

Những nhà máy chế biến cà phê công suất lớn như Cà phê Ngon (Cụm công nghiệp Cư Kuin), Trung Nguyên, Intimex (Cụm công nghiệp Tân An), An Thái (Khu công nghiệp Hòa Phú) đều được lắp ráp bởi các DN cơ khí Đắk Lắk. Đặc biệt, với ưu thế chất lượng tốt, giá thành rẻ, nhiều loại máy móc, thiết bị “cây nhà lá vườn” đã đánh bật sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các địa phương khác khỏi thị trường nội tỉnh. Bên cạnh đó, một số sản phẩm đã có mặt ở nhiều địa phương trong nước và xuất khẩu sang Campuchia, Indonesia như dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân công suất 3 – 30 tấn nhân/giờ, thiết bị xát khô cà phê công suất 500 – 1.000 kg/giờ, thiết bị xát tươi cà phê công suất 2 – 3 tấn quả/giờ, dây chuyền chế biến ướt quy mô nông hộ công suất 700 - 1.000 kg/giờ; thiết bị sấy tháp công suất 6 tấn/mẻ, thiết bị rang, xay cà phê bột, máy hái cà phê, bơm nước, béc tưới…

Sản xuất hàng cơ khí tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Tân An 1.

Là một trong những DN cơ khí tên tuổi chuyên thiết kế, chế tạo, lắp đặt các loại máy chế biến cà phê và sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nông hộ, Công ty TNHH Xuân Hòa hiện đã có thể thiết kế, chế tạo và lắp đặt các loại máy chế biến cà phê, từ các thiết bị lẻ, cụm thiết bị quy mô nhỏ cho đến các dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến cà phê chất lượng cao với năng suất chế biến từ 300 - 400 tấn cà phê nhân/ngày, trong đó có những công trình quy mô lớn như nhà máy cà phê Phước An, Đak Man, Olam, 2-9... Bên cạnh đó, gần đây, DN này còn sản xuất máy tách quả xanh, bóc vỏ cà phê liên hoàn quy mô nông hộ với giá 14 - 20 triệu đồng/máy, phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ và khả năng kinh tế của nông dân. Tương tự, Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền có khả năng sản xuất, lắp ráp nhiều loại máy chế biến cà phê quy mô nông hộ và công nghiệp cùng các loại thiết bị phụ trợ nhà máy. Đặc biệt, gần đây, công ty đã áp dụng công nghệ đốt FLOX phối hợp nhiệt phân trong sản xuất máy sấy cà phê góp phần giảm tiêu hao năng lượng và thân thiện với môi trường.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 300 DN cơ khí chế tạo và hàng ngàn cơ sở sản xuất cơ khí quy mô nhỏ. Thời gian qua, địa phương đã có những hỗ trợ giúp các doanh nghiệp cơ khí đổi mới công nghệ, thiết bị, trong đó, 3 DN gồm Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Đắc Hải, Công ty TNHH Sản xuất thương mại – dịch vụ - xuất nhập khẩu Đăng Phong và Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền được hưởng lợi từ Chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của tỉnh và các đề tài, dự án khoa học công nghệ quốc gia với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Phan, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Đắk Lắk cho biết, với năng lực hiện tại, ngành Cơ khí địa phương có thể phục vụ tốt hoạt động sản xuất cà phê từ canh tác đến chế biến, kể cả những dây chuyền chế biến sâu với quy mô lớn theo công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực này.

Hầu hết máy móc, thiết bị của nhà máy chế biến cà phê Intimex Buôn Ma Thuột công suất 60.000 tấn/năm được chế tạo, lắp ráp bởi doanh nghiệp địa phương.

Trong quy hoạch phát triển ngành Cơ khí đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, 1 trong 5 lĩnh vực được ưu tiên là sản xuất thiết bị, dây chuyền phục vụ nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư có trọng điểm về thiết bị và công nghệ, hình thành một số cơ sở lớn chuyên sản xuất các chi tiết tiêu chuẩn, khuôn mẫu chính xác, cắt gọt và gia công áp lực vật liệu với độ chính xác cao; đồng thời, xây dựng nhiều nhà máy cơ khí lớn tại TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện để hình thành các cụm liên kết cơ khí, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất tầm khu vực.

Đã có công nghiệp hỗ trợ ngành Cơ khí

Công nghiệp hỗ trợ ngành Cơ khí là sản xuất các phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí. Trước đây, cơ khí Đắk Lắk hầu như không có hỗ trợ, nên các sản phẩm khuôn đúc đòi hỏi sự chính xác cao phải nhập từ nước ngoài hoặc địa phương khác. Từ năm 2015, một DN tại TP. Buôn Ma Thuột đã đầu tư nhà máy đúc gang, đồng, nhôm bằng công nghệ lò trung tần, công suất 1 tấn sản phẩm/giờ, có thể đúc các chi tiết, linh kiện từ đơn giản đến phức tạp. Nhà máy này có thể đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của các DN, cơ sở sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh.

Theo báo Đắk Lắk

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 1712

Tất cả: 10538479

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn