Say men vị cà phê của người ê đê (18/02/2017, 10:13)

Như một sự sắp đặt của thần linh, đã hơn 100 mùa rẫy, cà phê trở thành loại cây trồng bầu bạn với thiên nhiên và con người của xứ sở cao nguyên Đắk Lắk. Cũng từ đó, hương vị của cà phê không thể thiếu trong đời sống của người Êđê ở vùng đất huyền thoại đầy nắng gió này.

Ba lần chín…

Đều đặn vào mỗi sáng tinh mơ, sau khi khơi hồn bếp lửa đỏ rực để nếp nhà dài thức tỉnh, phụ nữ Êđê ở các buôn làng Đắk Lắk lại tự tay pha chế cà phê cho các thành viên trong gia đình trước khi bắt đầu công việc của một ngày mới.

Công thức pha chế cà phê của người Êđê cũng đơn giản, không huyền bí, huyễn hoặc như những lời đồn thổi. Trước đây, vào mùa thu hoạch, người phụ nữ Êđê đi lên rẫy lượm những quả cà phê chín rụng dưới gốc, còn bây giờ họ chọn hái những quả cà phê tròn, chín mọng đem về nhà bóc tách vỏ, phơi khô và cất giữ để rang xay làm thức uống quanh năm.

Vào mỗi buổi sáng, gia đình bà H'Lum Adrơng uống cà phê theo cách pha chế truyền thống của người Êđê.

       Vào mỗi buổi sáng, gia đình bà H'Lum Adrơng uống cà phê theo cách pha chế truyền thống của người Êđê.

Bà H’Lum Adrơng (ở buôn Sut Mgrư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) cho biết: Bí quyết làm nên hương vị đặc trưng ly cà phê truyền thống là ở tỷ lệ pha trộn giữa ba dòng cà phê: vối (Robusta), chè (Arabica), mít (Liberica) và đặc biệt hơn bởi bàn tay khéo léo, tấm chân tình của người chế biến, từ khâu chăm trồng, thu hoạch đến phơi sấy, rang xay…”. Những hạt cà phê khô khén, chất chứa, đậm đà hương sắc của không gian cao nguyên đầy nắng và gió, chắt lọc tinh túy từ dòng dung nham sâu thẳm trong lòng đất qua triệu năm phong hóa để trở thành tầng tầng đất đỏ bazan, sau khoảng 20 phút “nhảy nhót” trên than hồng sẽ chuyển hóa sang màu nâu vàng và tỏa hương nồng nàn, ấy là đã đến độ chín - lần chín thứ hai.

Sau khi rang chín, quả cà phê được cho vào cối để giã nhuyễn và cất vào hộp. Khi có nhu cầu uống, bột cà phê được cho vào túi lọc và hãm nước sôi - đây là lần chín thứ ba. Tùy theo khẩu vị mà người pha chế chọn bột cà phê nhiều hay ít. Việc tăng thêm đường, sữa hoặc đá lạnh khi uống là do sở thích của từng người.

Chữ tình trong hương vị cà phê

Cà phê được cả người lớn và trẻ em người Êđê yêu thích, trở thành thức uống không thể thiếu. Cà phê cắt cơn ngái ngủ buổi sáng; cà phê giải tỏa cơn khát khi nắng gắt giữa trưa hè, ấm lòng khi đêm đông; cà phê tiếp thêm hưng phấn cho già làng kể khan; cà phê gắn kết tình thân... Người Êđê không có thói quen uống cà phê ở các hàng quán mà thích uống ở nhà.

Bà H’Lum Adrơng (ở buôn Sut Mgrư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) hướng dẫn con cháu cách rang cà phê truyền thống.

       Bà H’Lum Adrơng (ở buôn Sut Mgrư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) hướng dẫn con cháu cách rang cà phê truyền thống.

Cà phê chế biến theo cách của người Êđê hoàn toàn nguyên chất (mà hiện nay chúng ta vẫn thường gọi là cà phê sạch). Theo lý giải của họ, quả cà phê chín mọng hấp thụ tinh hoa của đất trời vốn dĩ đã thơm ngon nên khi chế biến không cần thêm “gia vị”.

 
“Ẩm thực của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, đồng bào Êđê nói riêng luôn chứa đựng nhiều tình cảm, tình cảm dành cho người thân, cho buôn làng và nhất là khách quý phương xa. Nấu cơm, canh, làm rượu cần, pha cà phê, thậm chí giã chén muối ớt cũng gói ghém nhiều tình cảm, sự yêu thương, quý mến của chủ nhà. Khi pha cà phê nhìn những giọt cà phê rơi xuống, hương thơm lan tỏa sẽ biết tình cảm của bà, của mẹ dành cho mình, dành cho khách đến chơi” 
 
Chị H’Năm Niêxã Cư Suê, huyện Cư M’gar

Chị H’Hoa K’Sơr cũng ở buôn Sut Mgrư chia sẻ: “Công đoạn rang quyết định hương vị của cà phê”. Suốt quá trình rang phải đều tay, lửa liu riu, không quá nhỏ cũng không quá to nhằm giữ được mùi vị tự nhiên mà trái cà phê đã tiếp nhận tinh hoa của đất, của trời, của cây cỏ. Hương vị cà phê quyến rũ hơn khi cho thêm một ít mỡ gà, một tí rượu trắng nguyên chất vào chảo trước khi tắt bếp”.

Là thức uống phổ biến hằng ngày cho người thân và đãi khách quý khi đến nhà chơi nên trong quá trình chế biến, người phụ nữ Êđê dành trọn tâm huyết, tình cảm vào trong hạt cà phê - đây là thứ gia vị “độc nhất vô nhị” không có bất cứ nguyên liệu hay chất phụ gia nào có thể thay thế được. Bà H’Lum cho biết: “Tôi không cho bất cứ gia vị gì vào cà phê. Để cà phê thơm ngon, tôi chỉ tập trung canh lửa và đảo đều tay để hạt cà phê không bị cháy khét hoặc bị chai. Vì bị nếu cháy, hoặc chưa chín cà phê sẽ không ngon, không thơm, như vậy là chưa thật lòng với con cháu”. Vì vậy, cũng là hạt cà phê ấy, cũng rang trên bếp lửa ấy, nhưng hôm nay cà phê có vị thơm ngon, còn hôm sau có thể không ngon là do tâm trạng, tình cảm của người chế biến. “Tùy thuộc vào tâm trạng, tình cảm mà hương vị của ly cà phê sẽ khác nhau”, chị H’Năm Niê, buôn Sút M' grư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar nói.

Nhâm nhi một tách cà phê vào mỗi sáng cho cảm giác hưng phấn, sảng khoái để bắt đầu một ngày làm việc đã trở thành thói quen của nhiều người Êđê ở cao nguyên Đắk Lắk. Hiện có nhiều loại cà phê và cách thức pha chế khác nhau, nhưng người Êđê ở các buôn làng vẫn “bảo lưu” cách pha chế  truyền thống (không gia vị) và thưởng thức thức uống này theo cách của riêng mình…

 

 

Theo báo Đắk Lắk

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 2128

Tất cả: 10538895

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn