Tây Nguyên “tỏa nhiệt” (20/03/2019, 15:40)

Trải qua 6 lần Festival Cà phê Buôn Ma Thuột, vùng đất Tây Nguyên đã thực sự trở thành một “thương hiệu” văn hóa. Dành cho du khách cơ hội thưởng thức cà phê và ẩm thực địa phương đặc sắc, hưởng thụ không khí du lịch sắc màu văn hóa đa dạng là mong muốn của những người tổ chức. Cội rễ của phát triển xuất phát từ văn hóa và ngoài xúc tiến kinh tế, thì bảo tồn văn hóa là mục tiêu quan trọng của Lễ hội Cà phê lần thứ 7 năm 2019.

Cưỡi voi Tây Nguyên - một trong những trải nghiệm thú vị, có sức cuốn hút nhất đối với du khách khi tham quan miền đất này. Ảnh: Long Nguyễn

Qua 6 lần tổ chức với các chủ đề khác nhau, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã thực sự trở thành một thiết chế văn hóa của Tây Nguyên. Với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 được đánh giá là một “festival cà phê” tỏa hương, con người của xứ sở cà phê cũng “tỏa nhiệt”.

Lễ hội đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ các lần tổ chức trước đây, bắt kịp thời đại và xu hướng, thị hiếu của thị trường kinh doanh du lịch. Chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” của lễ hội nhằm đề cập đến tất cả những yếu tố văn hóa của Tây Nguyên, không chỉ là cà phê.

Diễn ra trong một tuần, ngày nào Đắk Lắk cũng tràn ngập không khí lễ hội. Du khách uống cà phê miễn phí tại các quán cà phê có “cá tính”, đậm chất Tây Nguyên, tham gia các hội chợ thương mại, tham dự lễ hội đua voi, xem voi đá bóng, dự triển lãm, hòa mình vào lễ hội đường phố, tham quan các khu du lịch, các địa danh nổi tiếng. Đặc biệt, du khách còn được trực tiếp thưởng thức các món ăn đặc trưng của Tây Nguyên. Thật sự, đây là một bữa tiệc làm hài lòng bất cứ ai và cũng là cơ hội để Tây Nguyên giới thiệu tất cả các vốn văn hóa, qua đó tôn vinh miền đất và con người nơi đây.

200 hình ảnh trưng bày trong triển lãm ảnh “44 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột - những chặng đường lịch sử” đã công bố tập hợp các tư liệu lịch sử, diện mạo chung là kinh tế xã hội, tự nhiên, quá trình phát triển của mảnh đất Tây Nguyên. Có lẽ, điều hấp dẫn nhất của lễ hội cà phê là sự kiện văn hóa này luôn được tổ chức đúng ngày kỉ niệm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, trúng mùa hoa cà phê nở rộ và đúng trung tuần tháng 3 – mùa mà Tây Nguyên rực rỡ nắng vàng, tháng đẹp nhất trong năm.

Trong ngày 12-3, 200 nghệ nhân dân gian đã tham gia phục dựng các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng. Đây là một trong số những hoạt động lễ hội được giới nghiên cứu văn hóa dân gian trông đợi nhất. Bởi lẽ, đối với nghi thức văn hóa cồng chiêng gắn với nghi lễ, không phải lúc nào cũng có thể bắt gặp trong đời sống thường ngày. Một vài nghi lễ chỉ được tổ chức khi có sự cố hạn hán, mất mùa, gia đình có tang, bản làng có các sự cố ngoài ý muốn.

Ngoài ra, một số nhạc cụ, dụng cụ theo truyền thống cũng không được tự ý sử dụng. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây quan niệm rằng, khi đã tấu nhạc cụ, đánh trống thì cũng là gọi đấng thần linh về chứng kiến. Vì vậy, không thể tùy tiện thực hiện các nghi lễ một cách cẩu thả, không đúng phong tục và bất thường. Đơn cử như lễ cúng voi là nghi lễ quen thuộc với người dân Tây Nguyên trước đây. Nghi lễ tổ chức khi có con voi mới được gia nhập ở một gia đình nào đó trong buôn. Cho đến bây giờ, đàn voi dần ít đi, các gia đình không mua thêm voi, nghi lễ cúng cầu sức khỏe cho voi, cho voi nhập gia hoặc xuất gia cũng gần như không còn nữa.

Ở lễ hội năm 2019, các nghi lễ phục dựng gồm có lễ cầu mưa, lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê Đê, lễ bắc máng nước của dân tộc Sê Đăng, lễ mừng lúa mới của dân tộc K'ho, lễ cưới của người dân tộc M'nông và lễ cúng nhà rông mới của đồng bào dân tộc Ba Na.

4dwi_22a

Trình diễn đẽo tượng gỗ Tây Nguyên tại các khu du lịch. Ảnh: TTH

Tại các địa điểm du lịch văn hóa như buôn Ako Dhong (một bản Ê Đê làm du lịch cộng đồng), buôn Ko Tam, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và xã Krông Na, lần lượt các nghi lễ được thực hiện để nhằm đảm bảo các tổ hợp lễ hội được diễn ra trong không gian văn hóa thực tế tại bản làng, chứ không phải là sân khấu hóa, làm hỏng nghi thức dân gian.

Rút kinh nghiệm từ các lễ hội trước đây, các hình thức tổ chức quy tụ nghệ nhân dân gian được đặc biệt coi trọng. Để các nghệ nhân cống hiến tận tâm và tham gia vào quá trình bảo tồn văn hóa, bản thân các nghệ nhân phải được tôn trọng, được khuyến khích để họ ý thức được mình là chủ nhân của lễ hội, là “cá thể sống” của văn hóa cần bảo lưu, truyền lại. 

Các nghệ nhân, nhân dân và chính quyền của 5 tỉnh Tây Nguyên đều tham gia tích cực trong các nội dung của lễ hội. Một lần nữa, ý chí, sự quyết tâm và đoàn kết của các dân tộc Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông) được thể hiện. Chương trình lễ hội còn kéo dài với rất nhiều các phần xã hội hóa.

Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không bỏ qua cơ hội này. Họ muốn kéo dài lễ hội đến hết tháng 3, bằng nhiều hình thức hấp dẫn. Giá trị gia tăng của lễ hội lan tỏa và quyền lợi thụ hưởng lớn nhất đã thuộc về con người mảnh đất Tây Nguyên. Du khách khắp nơi hân hoan, náo nức đổ về đây dể thưởng thức văn hóa Tây Nguyên trong những ngày tháng 3 này.

Nguồn: http://www.bienphong.com.vn

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 1784

Tất cả: 10538551

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn