Thủ tướng Chính phủ truyền cảm hứng đến Tây Nguyên (13/03/2017, 10:14)

Trong 10 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 (được tổ chức vào ngày 11-3-2017 tại TP. Buôn Ma Thuột) nhằm mở đường cho Tây Nguyên phát triển và trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước, có một điều hết sức đặc biệt, thể hiện tầm nhìn, tư duy vô cùng nhanh nhạy và mới mẻ của vị đứng đầu Chính phủ hiện nay.

Ông nói: “Trước đây, việc ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng đối với Tây Nguyên là vấn đề ưu tiên và đặt ra trước hết. Giờ đây, để có được sự ổn định ấy thì phải lấy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa và sinh kế của người dân làm đầu. Bởi vì, chỉ có con đường phát triển thì mới đưa Tây Nguyên đi đến sự ổn định, bền vững về mọi mặt…”. Có thể nói đây là tiền đề có tính quyết định lịch sử - và hơn ai hết, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên nhận thức điều đó như là mệnh lệnh tối cao.

Mở đầu bài phát biểu chỉ đạo, hay nói đúng hơn là những trăn trở chân tình của mình, Thủ tướng ví von: Tây Nguyên như “một cô gái đẹp”, nhưng chưa trở mình để theo kịp bước phát triển của cả nước và thời đại. “Cô gái” ấy lâu nay bị “tổn thương” vì vấn nạn mất rừng, vì cạn kiệt nguồn nước, nhất là tầng nước ngầm đang suy giảm nghiêm trọng. Điều đó đã đánh mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư để Tây Nguyên phát triển. Thủ tướng một lần nữa tái khẳng định: Phải đóng chặt cửa rừng tự nhiên, không phá thêm rừng nghèo để phục vụ sản xuất, đồng thời tiếp tục trồng thêm rừng thay thế trên đất rừng nghèo kiệt và các công trình (dự án) đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, đặc biệt là đối với các công trình thủy điện ở Tây Nguyên. Bởi giữ rừng và làm giàu tài nguyên rừng ở đây là cách bảo vệ tốt nhất không gian sống, đồng thời là không gian văn hóa - di sản lịch sử của người dân Tây Nguyên hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Khu vực Tây Nguyên lần thứ 4.  Ảnh: H. Gia

Tây Nguyên phát triển bằng cách nào? Thủ tướng chỉ ra vùng đất này đang sở hữu diện tích đất bazan màu mỡ lớn nhất cả nước, nên sản xuất nông nghiệp được xác định, lựa chọn hàng đầu với các loại cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, bơ và các loại cây trái khác. Tuy nhiên, phải nhanh chóng và quyết tâm thay đổi nền sản xuất nông nghiệp ở đây theo hướng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng tầm thương hiệu và chuỗi giá trị gia tăng cho từng sản phẩm. Theo đó, phải hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn, liên kết và mở rộng thị trường tiêu thụ với đồng bằng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và các nước trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia. Còn lĩnh vực công nghiệp, theo Thủ tướng thì lời giải cho “bài toán” này chính là tìm cách nâng cao giá trị gia tăng cho nông nghiệp: là công nghiệp chế biến sau thu hoạch - từ thô đến tinh, công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cũng như chất lượng cho các ngành hàng cà phê, hồ tiêu, cao su…

 
  “ Trước đây, việc ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng đối với Tây Nguyên là vấn đề ưu tiên và đặt ra trước hết. Giờ đây, để có được sự ổn định ấy thì phải lấy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa và sinh kế của người dân làm đầu. Bởi vì, chỉ có con đường phát triển thì mới đưa Tây Nguyên đi đến sự ổn định, bền vững về mọi mặt…”
 
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng nêu quan điểm: “Góp gạo nấu cơm chung” - có nghĩa là Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia, cùng hưởng lợi. Song, cũng phải lưu ý và thống nhất một điều rằng, không đầu tư dàn trải, manh mún… mà phải quy hoạch lại vùng dân cư vốn đang bộc lộ nhiều bất cập, thiếu khoa học như hiện nay ở Tây Nguyên. Phải dựa trên tính chất, đặc thù của từng vùng dân cư để quy hoạch đầu tư và phát triển. Thủ tướng yêu cầu, đi kèm theo đó nhằm giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp ở mỗi vùng dân cư phát triển sinh kế, kinh doanh - sản xuất, gia tăng phúc lợi và dân sinh thì đòi hỏi chính sách tín dụng cần đa dạng, linh hoạt hơn để nguồn vốn vay (hỗ trợ) từ hệ thống ngân hàng Nhà nước, thương mại cổ phần phát huy ý nghĩa và hiệu quả tối đa.

Nhân lực để phục vụ cho mục tiêu phát triển Tây Nguyên? Không còn gì phù hợp bằng hình thức đa dạng hóa loại hình đào tạo, trong đó mở rộng, nâng cấp các trường dạy nghề cho con em các dân tộc ở Tây Nguyên phải đặc biệt được chú trọng. Các doanh nghiệp (từ nhỏ đến lớn), nhóm hộ, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh, cũng như mọi thành phần kinh tế trong xã hội đã đến lúc phải tăng cường hợp tác, đặt hàng cho các cơ sở đào tạo và các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất trên địa bàn toàn vùng Tây Nguyên và cả nước. Có như vậy mới tạo ra nguồn nhân lực thường xuyên, dồi dào, có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cuối cùng, vấn đề tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, kịp thời cũng được Thủ tướng kêu gọi, nhắc nhở chính quyền các địa phương trong khu vực Tây Nguyên quan tâm chú trọng hơn. Bởi thực tế trong thời gian qua, theo Thủ tướng đánh giá chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố (CPI) ở vùng Tây Nguyên nói chung còn thấp so với cả nước. Kết thúc Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền cảm hứng đến với mọi người, nhất là các doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào vùng đất giàu tiềm năng này bằng một thông điệp: Nói đi đôi với làm theo tinh thần của một Chính phủ minh bạch và kiến tạo.

Theo báo Đắk Lắk

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 1919

Tất cả: 10566014

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn